“Cổ Loa Thành”: Kiến Trúc Quân Sự độc đáo của người Việt Cổ

Thành Cổ Loa là một công trình kiến trúc quân sự và văn hóa độc đáo, gắn liền với triều đại An Dương Vương và truyền thuyết Nỏ thần với câu chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu nửa thực, nửa hư. Thành Cổ Loa được xây dựng từ thế kỷ III – trước công nguyên và gắn liền với sự hình thành và tồn tại của Nhà nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa là tòa thành độc đáo và thuộc hàng sớm nhất khu vực Đông Nam Á, với kiến trúc hoàn toàn bằng đất đã chứng minh kỹ thuật đắp thành đạt đến trình độ rất cao thời bấy giờ.

Thành Cổ Loa được bao bọc bởi con Sông Hoàng Giang ở phía Nam. Theo sử tích, đây chính là một nhánh lớn của Sông Hồng. Cùng với hệ thống đầm lầy, vực sâu thiên nhiên ở phía đông và phía bắc đã giúp vua An Dương Vương tạo nên hệ thống thủy-bộ liên hoàn, vừa phục vụ giao thương, đi lại và buôn bán sầm uất, vừa là trận đồ thủy chiến giúp bảo vệ kinh thành Cổ Loa trước giặc ngoại xâm – Triệu Đà ở phương Bắc.

Thành Cổ Loa được bao bọc bởi sông Hoàng Giang
Hệ thống đầm lầy và vực sâu tự nhiên phía Đông Bắc Thành Cổ Loa

Quá trình xây dựng tòa thành là một giai thoại vừa huyền bí lại rất hiện thực. Sự huyền bí thể hiện qua câu chuyện dân gian truyền lại đó là: An Dương Vương xây thành, đắp lũy cứ sau một đêm thành lại bị sụp bằng phảng như cũ, sau nhiều lần xây thành thất bại, vua An Dương Vương đã gặp thổ địa và được Giang sứ- thần Kim Quy mách bảo nguyên nhân là do có một con Bạch Kê tinh ở núi Thất Diệu (nay là núi Sái- xã Thụy Lâm- huyện Đông Anh) cản phá nhà vua. Được sự giúp sức của thần Kim Quy, vua An Dương Vương cùng quần thần đã tìm đến và diệt được Bạch kê tinh. Nhờ đó mà nhà vua đã nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng thành Cổ Loa. Câu chuyện diệt Bạch kê tinh xây thành Cổ Loa chỉ là giả tưởng, nhưng qua khảo cổ học trực tiếp đã phát hiện chân thành được kè đá chắc, cứ mỗi một lớp đất lại có nhiều mảnh gốm lát lên…điều đó chứng minh rằng Thành Cổ Loa là một công trình lao động quy mô lớn của nhân dân Âu Lạc, thể hiện tài năng sáng tạo của người Việt Cổ.

Mặt bằng, mặt cắt hố khai quật thành ngoại năm 2012. (Ảnh: Tư liệu, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch)

Thành được xây dựng kiểu đào hào đến đâu, đắp thành đến đó, tường thành phía ngoài thẳng đứng, phía trong dốc thoải, mặt thành 6-12m, chân thành 20-30m. Cả ba vòng thành là vòng tường thành khép kín, lần theo những gò đống thiên nhiên nên không có hình dáng rõ ràng. Các vòng tường thành không phải là tất cả do đào đắp, mà nhiều đoạn vốn là gò đất tự nhiên được đắp nối hoặc đắp thêm trên các gò theo thế tự nhiên. Cả ba vòng tường thành đều có hào ngoài. Người xưa đã dùng con sông Hoàng vào việc cấp nước và tạo hệ thống giao thông thuận tiện trên các tuyến hào ra vào, đảm bảo việc sinh hoạt và buôn bán của cư dân trong thành. Hệ thống hào nước quanh ba vòng thành đã biến Cổ Loa thành một thành trì quân sự vững chắc. Hiện nay, chung quanh khu thành còn có nhiều dải đất cao giống như những quãng tường thành. Tất cả ba vòng thành dài gần 17km. Ba vòng thành này gần như đồng tâm, nhưng chếch về phía Nam. Hai vòng thành ngoài có hình dạng không cân đối, tùy tiện, có chỗ gãy khúc không theo một quy cách nào. Vòng thành thứ ba khác hẳn, hình chữ nhật cân xứng và có 18 “hồi”.

Sơ đồ hiện trạng các vòng thành

Thành Cổ Loa là tòa cổ thành với đầy đủ ba chức năng: quân thành, kinh thành và thị thành. Tương truyền, thành Cổ Loa trước đây có 9 lớp, chu vi chín dặm. Có lẽ con số 9 hẳn chỉ là côn số huyền niệm.

Ngày nay, dấu tích còn lại tương đối rõ ràng đó là 3 vòng thành với những đường cong uốn lượn theo gò, bên bờ sông, bờ đầm nối nhau và khép kín.  Vòng thành Ngoại (dài hơn 8km), vòng thành Trung (dài hơn 7,5km) và thành Nội (dài gần 2km). Các lũy còn lại cao từ 4-5m. có chỗ cao 8-12m (nay là thành khu vực thôn Gà). Thành Cổ Loa cũng thể hiện nghệ thuật quân sự tài giỏi của quân dân Âu Lạc, giỏi trên bộ, giỏi dưới nước đó vừa là một căn cứ phòng ngự đồng thời cũng là một căn cứ xuất phát tiến công.

 

 

Một số hình ảnh tường thành Cổ Loa ngày nay

Ngày nay, Cổ Loa là một địa điểm du lịch và nghiên cứu khảo cổ quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và du khách yêu thích lịch sử văn hóa Việt Nam. Đến với Cổ Loa du khách sẽ được tìm hiểu quá trình xây dựng kinh thành Cổ Loa còn lưu truyền tới ngày nay Câu chuyện người dân nhường đất cho Vua xây dựng kinh thành. Câu chuyện Dân chạ chủ (nay là Dân làng Quậy – xã Liên Hà – huyện Đông Anh) đã chuyển cư về vùng trũng hơn lập trang Hà Hào, nhường đất để Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa đã được lưu truyền đến tận ngày nay. Đến tận bây giờ, người dân Làng Quậy vẫn được nhân dân Cổ Loa và nhân dân Bát xã Loa thành suy tôn là anh cả. Minh chứng rõ nét cho mối thân tình ngàn năm, thực hiện lời của Tiên đế xưa là Lễ hội mùng 06 tháng giêng hằng năm nhân dân làng quậy lại được mời vào dâng lễ đức vua và đọc “Mật khẩn” ở chiếu trên nhất. Truyền thống này phù hợp với sử liệu đó là “ Ngày Vua An Dương vương tức vị lên ngôi Hoàng đế, vua ban cho nhân dân làng quậy được vào chúc vua đầu tiên và ban cho một ân huệ là đáp ứng khẩn cầu của dân làng quậy. Khẩn cầu đó chính là được miễn vé vào Chợ Sa. Ngày nay, Chợ Sa Cổ Loa vẫn còn tên gọi và duy trì tập tục “ Họp theo phiên”.

Chợ Sa thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa

Hãy đến với Thành Cổ Loa, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử – văn hóa – sinh thái- nhân văn cùng truyền thuyết huyền thoại dựng nước, giữ nước, lịch sử oai hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam!

Mọi thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn thêm, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ qua địa chỉ:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYÊN ĐỀ DU LỊCH XÃ CỔ LOA
Thông tin tư vấn tour du lịch Cổ Loa: 0989 345 302
Thông tin quản lý nhà nước xã Cổ Loa: 0985 317 766
Email : coloavillage@gmail.com